CHẤT TANNIN LÀ CHẤT GÌ Ngày Đăng: 02/03/2019_thanhphatcompany.vn
Tanin phân bố rộng rãi trong thiên nhiên, tập trung nhiều ở các họ Rau răm (Polygonaceae), Hoa hồng (Rosaceae), Đậu (Fabaceae), Sim (Myrtaceae), Cà phê (Rutaceae),… và có mặt ở nhiều bộ phận của cây: rễ, thân rễ (Đại hoàng), vỏ (Chiêu liêu), lá (Trà), hoa (Hoa hồng, hạt (Cau), vỏ quả (Măng cụt)… Đặc biệt, có một số tanin được tạo thành do thực vật bị một bệnh lý nào đó, như vị thuốc Ngũ bội tử là những túi được hình thành do nhộng của con sâu ngũ bội tử gây ra trên cành và cuống lá của cây Muối (Rhus semialata, thuộc họ Anacardiaceae). Hàm lượng tanin trong dược liệu thường khá cao, chiếm từ 6-35%, đặc biệt trong Ngũ bội tử có thể lên đến 50-70%. Ở trong cây, tanin tham gia vào quá trình trao đổi chất và oxy hóa khử, đồng thời nhờ có nhiều nhóm phenol nên tanin có tính kháng khuẩn, bảo vệ cây trước những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Dựa vào cấu trúc hóa học, tanin được phân làm hai loại: - Tanin thủy phân được hay còn gọi là tanin pyrogallic vì sau khi bị thủy phân, những tanin thuộc nhóm này sẽ bị cắt ra thành một đường, thường là glucose và một acid, thường là acid gallic. - Tanin không thủy phân được hay tanin ngưng tụ. Dưới tác dụng của acid hay enzym, chúng dễ tạo thành tanin đỏ hoặc một sản phẩm trùng hợp gọi là phlobaphen rất ít tan trong nước. Phlobaphen là đặc trưng của một số dược liệu như vỏ Canhkina, vỏ quế,… Đa số các tanin đều có vị chát, làm săn se da, tan được trong nước, nhất là trong nước nóng, tan trong cồn loãng, kiềm loãng… và hầu như không tan trong dung môi hữu cơ. Tanin tạo kết tủa với muối sắt III (Fe3+), tùy loại mà cho màu xanh đen (tanin thủy phân) hoặc xanh lá cây đậm (tanin ngưng tụ). Chính vì vậy, khi dùng dao bằng sắt để cắt gọt vỏ những loại trái cây chứa nhiều tanin (như Ổi), trên miếng trái cây sẽ xuất hiện màu đen xỉn rất xấu. Cũng vì thế, khi có tanin, các lương y luôn dặn dò người bệnh phải sắc thuốc bằng ấm đất để không làm mất tanin, giảm tác dụng của thang thuốc. Tanin là một hợp chất có khá nhiều ứng dụng trong điều trị: - Do có tính tạo tủa với protein, khi tiếp xúc với niêm mạc, tổ chức da bị tổn thương hay vết loét,… tanin sẽ tạo một màng mỏng, làm máu đông lại, ngừng chảy nên ứng dụng làm thuốc đông máu và thuốc săn se da. - Tanin có tính kháng khuẩn, kháng virus, được dùng trong điều trị các bệnh viêm ruột, tiêu chảy mà búp Ổi, búp Sim, vỏ Ổi và vỏ Măng cụt là những dược liệu tiêu biểu đã được dân gian sử dụng. Phối hợp với tính làm săn se, tanin còn được dùng để làm thuốc súc miệng khi niêm mạc miệng, họng bị viêm loét hoặc chữa vết loét do người bệnh nằm lâu. - Tanin tạo kết tủa với các alcaloid và các muối kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm… nên làm giảm sự hấp thu của những chất này trong ruột, vì vậy được ứng dụng để giải độc trong những trường hợp ngộ độc alcaloid và kim loại nặng. Cũng vì lý do này, không nên uống thuốc với nước trà. Trong bào chế hiện đại, tanin được tinh chế rồi bào chế thành những chế phẩm như dung dịch có nồng độ 1-2% hoặc thuốc bột, thuốc mỡ dùng ngoài 10-20%. Tuy nhiên, khi dùng để uống, tanin có thể kích ứng niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày, gây khó chịu và rối loạn tiêu hóa. Để giảm thiểu tác dụng phụ này, các nhà sản xuất đã kết hợp tanin với albumin tạo thành dạng tanalbumin không mùi, không vị, không tan trong nước, không bị dịch tiêu hóa phân hủy, khi vào đến ruột, gặp môi trường kiềm, tanin mới được giải phóng và phát huy tác dụng phụ dược lý. Cần lưu ý, uống thuốc chứa tanin có thể bị táo bón. |
||
Nguồn: Thuốc & Sức khỏe, |